Thông tin từ Bộ Công Thương ngày 15/11, những người đứng đầu Chính phủ các quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) tham dự Hội nghị Thượng đỉnh RCEP lần thứ 4 tại Hà Nội đã chính thức kết thúc đàm phán và ra tuyên bố chung.
Tuyên bố chung ghi rõ, những người đứng đầu Nhà nước/Chính phủ thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á - Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanma, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam - Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand, đã họp vào ngày 15/11 thông qua hình thức trực tuyến nhân dịp Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 4.
"Chúng tôi vui mừng chứng kiến việc ký Hiệp định RCEP, trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có do đại dịch vi-rút Cô-rô-na 2019 (COVID-19) gây ra. Trước tác động tiêu cực của đại dịch đối với nền kinh tế cũng như đối với cuộc sống và sự an toàn của người dân, việc ký Hiệp định RCEP thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của chúng tôi trong việc hỗ trợ phục hồi kinh tế, phát triển toàn diện, tạo việc làm và tăng cường chuỗi cung ứng khu vực cũng như ủng hộ một thỏa thuận thương mại và đầu tư tự do, toàn diện, dựa trên luật lệ. Chúng tôi nhận thấy Hiệp định RCEP là giải pháp cấp bách để ứng phó với đại dịch COVID-19 của khu vực và trong việc xây dựng khả năng tự cường thông qua quá trình phục hồi kinh tế bền vững hậu đại dịch", Tuyên bố chung nêu.
Tất cả các nhà lãnh đạo của RCEP đều ghi nhận hiệp định chính là một thỏa thuận thương mại khu vực lớn chưa từng có với sự giao hòa đa dạng của các nền kinh tế phát triển, đang phát triển và kém phát triển. Là một hiệp định với thị trường 2,2 tỷ người dân chiếm 30% dân số thế giới, tổng GDP 26,2 nghìn tỷ USD tương đương 30% GDP toàn cầu và chiếm gần 28% thương mại toàn cầu (dựa trên số liệu năm 2019).
"Chúng tôi tin rằng Hiệp định RCEP là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, thể hiện một bước tiến quan trọng hướng tới một khuôn khổ luật lệ lý tưởng cho thương mại và đầu tư toàn cầu", tuyên bố chung nhấn mạnh.
Các nhà lãnh đạo của các quốc gia RCEP cũng ghi nhận rằng Hiệp định RCEP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tham vọng nhất do ASEAN khởi xướng, góp phần nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong khuôn khổ khu vực và tăng cường hợp tác giữa ASEAN và các nước đối tác.
Hiệp định RCEP, là một hiệp định hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và mang lại lợi ích cho tất cả các bên, với 20 chương bao gồm các lĩnh vực và nguyên tắc chưa từng có trong các hiệp định thương mại tư do trước đây giữa ASEAN và các nước Đối tác.
Bên cạnh các điều khoản cụ thể về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư, Hiệp định RCEP còn bao gồm các Chương về Sở hữu trí tuệ, Thương mại điện tử, Cạnh tranh, Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), Hợp tác kinh tế và kỹ thuật và Mua sắm của chính phủ.
Tuyên bố chung còn nhấn mạnh nhiều nội dung quan trọng của các nhà lãnh đạo cấp cao:
"Chúng tôi tin tưởng rằng Hiệp định RCEP, với mức độ cam kết tự do hóa thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, chắn chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong khu vực đặc biệt về khả năng tiếp cận thị trường.
Chúng tôi nhất trí rằng toàn bộ cơ hội và tiềm năng của Hiệp định RCEP chỉ được có thể hiện thực hóa khi Hiệp định chính thức có hiệu lực. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi giao quan chức các nước đẩy nhanh thủ tục phê chuẩn trong nước để Hiệp định sớm có hiệu lực, khi ít nhất 6 quốc gia Thành viên ASEAN và 3 nước Đối tác gửi văn kiện phê chuẩn đến Cơ quan lưu chiểu theo quy định của Hiệp định. Chúng tôi cũng giao các Bộ trưởng phát triển RCEP thành một nền tảng cho đối thoại và hợp tác về các vấn đề kinh tế và thương mại ảnh hưởng đến khu vực, đồng thời báo cáo chúng tôi thường xuyên.
RCEP vẫn mở cửa cho Ấn Độ nếu nước này muốn tham gia. Theo nội dung thống nhất: "Hiệp định RCEP là một hiệp định mở và toàn diện. Chúng tôi đánh giá cao vai trò của Ấn Độ đối với Hiệp định RCEP và khẳng định lại rằng Hiệp định RCEP vẫn mở cửa cho Ấn Độ tham gia. Việc tham gia của Ấn Độ vào Hiệp định RCEP sẽ được hoan nghênh, với tư cách là một trong 16 quốc gia ban đầu tham gia đàm phán Hiệp định RCEP từ năm 2012 và có tầm quan trọng chiến lược trong việc tăng cường và mở rộng chuỗi giá trị khu vực.
Trên tinh thần đó, chúng tôi hoan nghênh Tuyên bố cấp Bộ trưởng về việc tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực của Ấn Độ được thông qua bởi các Bộ trưởng RCEP, kèm theo Tuyên bố chung này".
Được biết, các cuộc đàm phán về Hiệp định RCEP bắt đầu vào cuối năm 2012 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 ở Phnom Penh (Campuchia). Đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và các nước đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand) với trình độ phát triển kinh tế khác nhau là việc không hề dễ dàng. Sau cuộc đàm phán vào ngày 4/11/2019, Ấn Độ đã rút khỏi Hiệp định do còn nhiều điểm chưa được giải quyết.
Tại Hội nghị đầu giờ sáng 15/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Tôi rất vui mừng rằng, sau 8 năm làm việc khó khăn, đến hôm nay, chúng ta chính thức kết thúc hoàn toàn đàm phán Hiệp định RCEP để có thể ký kết Hiệp định nhân dịp này".
Thủ tướng nhấn mạnh trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực đang gặp phải những trở lực và thách thức to lớn không chỉ từ dịch COVID-19 mà còn từ sự suy giảm của thương mại quốc tế, việc kết thúc đàm phán Hiệp định RCEP - một hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới, sẽ là thông điệp mạnh mẽ khẳng định vai trò đi đầu của ASEAN trong ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, đóng góp vào việc tạo lập cấu trúc thương mại mới ở khu vực, thuận lợi hóa thương mại một cách bền vững và phát triển chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn do dịch COVID-19 cũng như hỗ trợ quá trình hồi phục sau đại dịch.
Nguồn: https://vneconomy.vn/fta-lon-nhat-the-gioi-quy-mo-gdp-26200-ty-usd-da-duoc-ky-tai-ha-noi-2020111512452242.htm