PHƯƠNG PHÁP XÂY DỰNG THANG, BẢNG LƯƠNG TRONG DOANH NGHIỆP

Chính sách tiền lương là một yếu tố quan trọng của doanh nghiệp vì nó liên quan trực tiếp đến hiệu quả năng suất của người lao động.  Tuy nhiên, xây dựng chính sách lương khoán hoặc lương theo năng suất luôn là bài toán khó đối với chủ doanh nghiệp. Hiểu được những trăn trở đó, ông Lê Văn Minh – Chủ nhiệm CLB Nhân sự (HR) của BIFA đã mời TS. Tống Thị Minh - nguyên là Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương chia sẻ về phương pháp xây dựng thang, bảng lương cho các doanh nghiệp hội viên trong chương trình họp mặt định kỳ lần thứ 7 của CLB. Trả lương đúng cách cho người lao động là nhằm tạo động lực tốt cho người lao động để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doan của doanh nghiệp trên thị trường lao động nhiều “dịch chuyển” như hiện nay.

Theo bà Tống Thị Minh, chính sách tiền lương tại doanh nghiệp phải đáp ứng được 3 tiêu chí:

  • Công Bằng: không phân biệt đối xử, phải đánh giá được giá trị công việc và tiêu chuẩn để nâng lương
  • Cạnh tranh: chính sách lương tốt mới thu hút được người lao động, nhất là trong thời điểm thị trường lao động hết sức sôi động như hiện nay. Nhiều doanh nghiệp thậm chí chấp nhận tình trạng công nhân nghỉ việc nhiều ngày vẫn được nhận lại vì thiếu hụt lao động.
  • Thỏa thuận: lương được quyết định dựa trên thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động &phải phù hợp luật định

Từ phía doanh nghiệp, những câu hỏi cụ thể về tiền lương liên tục được nêu ra xoay quanh các chủ đề liên quan đến phụ cấp, lương khoán và lương tăng ca. Với đặc thù ngành chế biến gỗ là ngành sử dụng nhiều công nhân, thường xuyên phải tăng ca, môi trường làm việc nhiều bụi nên công nhân dễ nghỉ việc. Thêm vào đó, Bình Dương lại là nơi tập trung của 29 khu công nghiệp với tổng diện tích lên đến 12.743 ha. Điều này khiến cho Bình Dương trở thành mảnh đất màu mỡ, thu hút nhiều lao động từ khắp đất nước và các doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt để chống tình trạng “tuyển dụng chéo” tại cùng địa bàn.

Trong bài chia sẻ của mình, bà Tống Thị Minh đã hướng dẫn các doanh nghiệp 8 bước xây dựng thang lương, bảng lương và phụ cấp lương. Bài đào tạo đã phần nào giải đáp được những thắc mắc liên quan đến phụ cấp, mối quan hệ giữa phụ cấp và lương khoán và lương tăng ca. Doanh nghiệp cần sử dụng bảng phân tích công việc để liệt kê các loại lương cứng, lương đánh giá hiệu quả công việc, các loại trợ cấp, phụ cấp cho chính xác, nhằm đảm bảo quyền lợi cho cả người lao động và người sử dụng lao động.

Cũng trong buổi họp mặt lần này, ông Lê Văn Minh (Chủ nhiệm CLB) đã chia sẻ bài đào tạo về “Phương pháp đào tạo nguồn lực trong công ty”. Với 5 phương pháp đào tạo nội bộ, nhân viên sẽ được hỗ trợ hoàn thành tốt công việc được giao, giúp tăng kết quả công việc và tạo cơ hội thăng tiến. Để đào tạo nội bộ, người quản lý cần hướng dẫn theo từng bước cụ thể:

  • Nói cho người học biết mục đích của công việc.
  • Làm thử công việc đó và yêu cầu người học quan sát
  • Giải thích những điểm chính trong việc thực hiện công việc
  • Người hướng dẫn làm lại công việc một lần nữa
  • Yêu cầu người học thực hiện lại từng bước của công việc
  • Yêu cầu người học thực hiện lại toàn bộ công việc
  • Nếu có sai sót, người học cần thực hành lại cho tới lúc nào đạt đến mức độ thành thạo

Kết thúc buổi hội thảo, ông Lê Văn Minh gửi lời cảm ơn chân thành đến sự hỗ trợ của TS. Tống Thị Minh, VCCI, tổ chức ILO và dự án NIRF đã hỗ trợ CLB tổ chức hội thảo thành công đồng thời nhận được nhiều đóng góp tích cực từ doanh nghiệp.

CLB Nhân sự BIFA là nơi chia sẻ kiến thức, tài liệu, kinh nghiệm xử ký các vấn đề nhân sự trong quán trị quản ký của các hội viên. Hội thảo chuyên đề của CLB được tổ chức 3 tháng một lần, đồng thời CLB luôn hướng tới mục tiêu xây dựng mạng lưới liên kết tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao giữa trường nghề và doanh nghiệp. Quý doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký tham gia vui long liên hệ Thư ký của CLB: Chị Đinh Ngọc Phượng - 0904454504