BÌNH DƯƠNG: DI DỜI DOANH NGHIỆP NGOÀI CÁC KHU, CỤM CÔNG NGHIỆP BẮT ĐẦU TỪ NĂM 2024

Thông tin được bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương - cho biết tại họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội quý I/2023.

Chiều ngày 4/4, tại buổi họp báo thông tin tình hình kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh quý I/2023 do UBND tỉnh Bình Dương tổ chức, bà Nguyễn Thành Hà - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương đã thông tin về tình hình công tác di dời doanh nghiệp ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bình Dương: Di dời doanh nghiệp ngoài các khu, cụm công nghiệp bắt đầu từ năm 2024
Bà Nguyễn Thành Hà - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, thông tin về tình hình công tác di dời doanh nghiệp ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tại họp báo chiều ngày 4/4/2023

Năm 2019, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 3210 phê duyệt Đề án “Điều tra, đánh giá thực trạng hoạt động và đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nằm ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tỉnh Bình Dương”. Sau 2 năm thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo Đề án thực hiện tuyên truyền, phổ biến, đánh giá tác động của Đề án di dời, chuyển đổi công năng.

Theo Sở Công Thương, tỉnh Bình Dương hiện có số lượng doanh nghiệp phải thực hiện di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp là rất lớn, chiếm 71% tổng số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp. Trong đó, chủ yếu tập trung ở TP. Thuận An, TP. Dĩ An, TP. Tân Uyên và thị xã Bến Cát với các ngành nghề phổ biến là sản xuất sắt thép phế liệu, cơ khí, hóa chất, da giày…

Việc thực hiện chương trình vận động, hỗ trợ di dời, chuyển đổi công năng các doanh nghiệp sản xuất vào các các khu công nghiệp, cụm công nghiệp quy mô lớn không chỉ tránh gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, cháy, nổ trong khu dân cư mà còn góp phần thực hiện điều chỉnh quy hoạch và chỉnh trang đô thị của tỉnh theo hướng đô thị văn minh, thông minh, hiện đại.

Liên quan đến lộ trình di dời doanh nghiệp ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương - cho biết: Công tác di dời sẽ bắt đầu từ năm 2024 và đến năm 2030 sẽ kết thúc. Trong đó Sở Công Thương sẽ tham mưu kế hoạch với tỉnh để có lộ trình di dời cho các doanh nghiệp ở ngoài cụm công nghiệp ở phía Nam vào các khu, cụm công nghiệp phía Bắc.

Bình Dương: Di dời doanh nghiệp ngoài các khu, cụm công nghiệp bắt đầu từ năm 2024
Họp báo thông tin tình hình kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh quý I/2023

Hiện nay, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh Bình Dương thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc và đang thực hiện công tác quy hoạch bổ sung một số cụm công nghiệp để các doanh nghiệp di dời vào ác khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Bắc. Vì các doanh nghiệp di dời thì phải có quỹ đất vào đó để tiếp tục sản xuất kinh doanh.

Bà Nguyễn Thanh Hà cũng cho biết, Sở đang thực hiện công tác phối hợp với các sở ngành, các địa phương đã soát và bổ sung một số cụm công nghiệp. Đồng thời làm phương án quy hoạch cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 một số cụm công nghiệp chuyên ngành để cho các doanh nghiệp ở phía Nam thuộc các ngành nghề đưa vào đó. Đặc biệt, Sở đang phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư để tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh.

Đối với công tác di dời chúng tôi đang phối hợp với các sở ngành tham mưu tiêu chí cho UBND tỉnh để thực hiện công tác di dời, không phải tất cả các doanh nghiệp ở địa bàn phía Nam đều phải di dời hết. Doanh nghiệp di dời phải trên cơ sở tiêu chí cụ thể, để các địa phương ra soát các tiêu chí đó, lập ra danh sách các doanh nghiệp nào di dời, doanh nghiệp nào chuyển đổi công năng và sẽ có lộ trình bắt đầu từ địa bàn nào đi trước, rồi tới địa bàn nào kết thúc.

Hiện Sở Công Thương (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) đang xây dựng và lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo về các tiêu chí xác định các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu, cụm công nghiệp, để tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định ban hành tiêu chí xác định. Dự kiến có 4 tiêu chí xác định, gồm: Tiêu chí 1: Việc phù hợp công tác bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy; Tiêu chí 2: Việc phù hợp với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được phê duyệt và còn hiệu lực; Tiêu chí 3: Về ngành nghề sản xuất và Tiêu chí 4: Ý thức chấp hành quy định của pháp luật.

Theo bà Nguyễn Thanh Hà cho hay, căn cứ theo tiêu chí chấm điểm này, có thể hiểu, không phải tất các các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam đều thuộc đối tượng di dời hoặc chuyển đổi công năng. Chỉ có những doanh nghiệp vi phạm nhiều tiêu chí và có tổng điểm từ 50 điểm trở lên mới thuộc đối tượng di dời hoặc chuyển đổi công năng.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng đang dự thảo các chính sách hỗ trợ di dời, chuyển đổi công năng lấy ý kiến thành viên Ban Chỉ đạo Đề án trước khi tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Bình Dương ban hành Nghị quyết về các chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Dành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, đây là Đề án lớn, khó và hết sức quan trọng của tỉnh, làm sao để vừa có sự đồng thuận của doanh nghiệp, vừa hợp lòng người dân, vừa đúng chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư các ngành nghề dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp, các ngành công nghiệp tạo ra giá trị sản phẩm lớn, thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đất đai, giảm dần các ngành nghề thâm dụng lao động mà tỉnh đang quyết tâm thực hiện. Mục đích của đề án di dời, chuyển đổi để doanh nghiệp phát triển mạnh và bền vững hơn.

 

Nguồn: https://congthuong.vn/binh-duong-di-doi-doanh-nghiep-ngoai-cac-khu-cum-cong-nghiep-bat-dau-tu-nam-2024-249051.html?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&zarsrc=10