Nghệ An đặt mục tiêu 170.000ha rừng gỗ lớn

Để tháo gỡ nút thắt, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tạo động lực kích cầu…  

Xu thế tất yếu

Khảo sát thực tế cho thấy, do nhiều yếu tố, phần đa chủ rừng trên địa bàn Nghệ An vẫn ưu tiên áp dụng phương thức kinh doanh gỗ nhỏ làm nguyên liệu giấy, dăm gỗ với chu kỳ kéo dài chỉ 5 - 7 năm theo hình thức quảng canh truyền thống. Việc khai thác non kéo theo năng suất và chất lượng rừng trồng sụt giảm, giá trị kinh tế thu về hết sức èo uột.

12-58-57_1
Diện tích trồng rừng gỗ lớn của Cty Lâm nông nghiệp Sông Hiếu được theo dõi định kỳ (Ảnh: VK).

Dựa trên kế hoạch “nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng sản xuất giai đoạn 2011 - 2020” của Bộ NN-PTNT, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ 50% giá trị cây giống cho các hộ nông dân trồng rừng bằng cây gỗ lớn và trồng rừng bằng cây bản địa nhằm tạo đà thúc đẩy. Cùng với đó, UBND tỉnh đã phê duyệt “Quy hoạch phát triển rừng kinh doanh gỗ lớn giai đoạn 2016 - 2025”, mục tiêu thực hiện là 168.915ha, bao gồm 81.042ha khai thác và trồng lại, 75.376ha trồng mới, 12.407ha chuyển hóa.

Qua rà soát thực tế, tổng diện tích trồng rừng gỗ lớn toàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2018 ước đạt khoảng hơn 8.000ha, trong số này 1.803,6ha được trồng theo chính sách hỗ trợ, số còn lại từ vốn đầu tư của các DN và người dân.

Bên cạnh những mặt thuận lợi, nhìn chung quá trình triển khai còn tồn tại nhiều nút thắt chưa có hướng tháo gỡ. Thứ nhất việc phát triển rừng sản xuất hiện nay đang áp dụng theo Quyết định 38/2016/QĐ-TTg, mức hỗ trợ cho trồng rừng gỗ lớn là 8 triệu đồng/ha, tuy nhiên do nguồn vốn ngân sách hàng năm hạn chế nên diện tích được thụ hưởng chưa nhiều. Đơn cử như năm 2018, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương thực chất chỉ đủ trang trải cho 2 hạng mục là chăm sóc rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.

Về yếu tố khách quan, dễ nhận thấy phần lớn chủ rừng, đặc biệt là các hộ dân miền cao không dư dả về kinh tế, việc áp dụng chu kỳ chăm sóc dài hơi thực sự vượt quá khả năng cho phép. Mặc dầu phía ngân hàng đã chủ động đứng ra với tư cách “bà đỡ”, tuy nhiên các điều kiện ràng buộc đi kèm chẳng khác gì đánh đố. Thực tế do thu nhập thấp thành thử số đông người trồng rừng không đáp ứng được các điều khoản vay vốn, trường hợp tiếp cận thành công thì khoản vay thường thấp hơn nhu cầu đầu tư, chưa kể thời hạn cho vay ngắn hơn so với chu kỳ kinh doanh rừng…

12-58-57_2
Giá trị kinh tế từ trồng rừng gỗ lớn vượt trội so với phương thức truyền thống (Ảnh: VK).

Các chuyên gia đầu ngành hiến kế, trước mắt Nghệ An cần điều chỉnh phù hợp, tăng mức hỗ trợ tối thiểu về cây giống, từ 50% lên 100%. Song song với đó phải áp dụng chính sách hỗ trợ chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng trồng kinh doanh gỗ lớn nhằm đẩy nhanh tiến độ, tăng diện tích và tăng cả sản lượng.  

Giá trị vượt trội

So với trồng rừng gỗ nhỏ chu kỳ thường kéo dài từ 4 - 7 năm, áp dụng quy trình trồng rừng gỗ lớn dù phát sinh về kinh phí cũng như thời gian thực hiện nhưng giá trị kinh tế hoàn toàn vượt trội. Điều này được thể hiện rõ ràng tại Cty TNHH 1TV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu, đơn vị được xem là lá cờ đầu trong ngành lâm nghiệp tỉnh Nghệ An suốt nhiều năm qua.

Sau khi thực hiện chuyển đổi theo Nghị định 25/2010/NĐ-CP của Chính phủ, đơn vị đã chủ động xây dựng và triển khai phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, tổ chức lại hình thức sản xuất. Trong xu thế mới, lãnh đạo công ty xác định trồng, kinh doanh cây nguyên liệu và rừng gỗ lớn làm trọng tâm, với những gì đang có đây là hướng đi hoàn toàn đúng đắn.

Năm 2001 Cty Lâm nông nghiệp Sông Hiếu bắt đầu triển khai dự án trồng rừng nguyên liệu trên quy mô 5.000ha, hiện tại đã nhân rộng lên 8.400ha. Trong diện tích này có 2.969ha rừng gỗ lớn, thành phần giống gồm keo lai (dòng BV10 và BV16) và keo tai tượng (dòng nhập ngoại theo hướng dẫn của Sở NN-PTNT).

Trao đổi với NNVN, Tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Hoàng khẳng định: “Công ty chủ trương áp dụng trồng rừng gỗ lớn nhằm cải thiện nguồn thu trên cùng đơn vị diện tích. Quá trình thực hiện đòi hỏi phải tuân thủ hết sức nghiêm ngặt, nếu lơ là, bỏ sót dù chỉ một công đoạn nhỏ thì tốc độ phát triển của cây trồng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, việc không đạt được chỉ tiêu thành thục công nghệ là điều khó tránh khỏi.

12-58-57_4
TGĐ Nguyễn Ngọc Hoàng khẳng định, cần tối thiểu 8 năm cây trồng mới đạt được chỉ tiêu thành thục công nghệ (Ảnh: VK).

Năm đầu tiên phải thực hiện tổng cộng 5 bước chăm sóc cơ bản. Tùy vào thực địa sẽ áp dụng phương pháp tối ưu nhất, với những diện tích có độ dốc từ 15 độ trở xuống sẽ tiến hành đào hố bằng cơ giới hóa, kích thước 60 x 60 x 60cm, mỗi hố trồng 2 cây. Từ 15 độ trở lên bắt buộc phải thực hiện theo hình thức thủ công, kích thước phù hợp là 40 x 40 x 40cm, lúc này mỗi hố chỉ trồng 1 cây”.

Ông Hoàng nhấn mạnh thêm: “Áp dụng quy trình trồng rừng gỗ lớn cần đặc biệt lưu ý đến 3 năm đầu tiên, qua được cột mốc này tỷ lệ thành công gần như được đảm bảo”.

Làm phép so sánh đơn thuần, nếu triển khai theo cách thức thông thường bình quân sản lượng trên mỗi ha chỉ đạt khoảng 70m3, tổng doanh thu rơi vào khoảng 80 triệu đồng, trừ chi phí liên quan (phân, giống; trồng, chăm sóc; khai thác, chế biến; tiêu thụ) chủ rừng chỉ thực nhận từ 10 - 15 triệu đồng/ha. Trong khi đó với quy trình 8 - 12 năm, sản lượng bình quân đạt 135 - 250 m3/ha, cộng thêm sự chủ động trong quá trình sản xuất và tiêu thụ (liên kết với với Cty CP ván nhân tạo Tân Việt Trung và Cty CP Lâm nghiệp tháng năm - Tập đoàn TH) nên chi phí trồng rừng (28 triệu) và khai thác (64 triệu) được giảm thiểu xuống mức tối đa, tính chi ly mỗi chu kỳ đơn vị lãi ròng 100 - 130 triệu đồng/ha, cao gấp 10 lần hình thức cũ.

Năm 2019 Cty TNHH 1TV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu chủ trương xây dựng phương án quản lý rừng bền vững theo Luật Lâm nghiệp 2017, tiến tới làm thủ tục cấp chứng chỉ FSC-FM đối với 2.000ha rừng trồng. Với mục tiêu đầu tư trồng rừng thâm canh để tạo vùng nguyên liệu tập trung, đơn vị xác định chỉ thực hiện khai thác khi rừng ở độ tuổi 8 - 10 năm, sản lượng gỗ đạt 150 - 250 m3/ha.