Đây là một mốc son, khởi đầu cho một thời kỳ mới - thời kỳ mà ngành lâm nghiệp vươn lên dẫn đầu trong toàn ngành nông nghiệp.
Chúng ta đang xốc tới với chủ trương chuyển hóa rừng trồng cung cấp gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn. Thu nhập của người trồng rừng sẽ tăng lên rõ rệt. Hàng loạt địa phương đã hưởng ứng chủ trương này. Hàng nghìn hecta rừng đã được quy hoạch để trồng rừng gỗ lớn… Thanh Hóa, Quảng Trị, Bình Định và nhiều địa phương đã tích cực thực hiện việc chuyển đổi đó.
Nhưng rất tiếc, thông tin mà báo chí cho biết thì hầu như rừng gỗ lớn chỉ là rừng keo được kéo dài chu kỳ thu hoạch tới 10 năm. Việc trồng thưa, chăm sóc tốt và kéo dài thời gian tới 10 năm hoặc lâu hơn sẽ cho người dân thu nhập vượt trội nhờ trồng keo. Đây là một cách làm rất tốt, phát huy hết tiềm năng của cây keo. Thế nhưng, ta còn rất nhiều loại cây khác cũng có thể cho thu nhập bằng hoặc vượt cả cây keo. Do đó, khi quy hoạch trồng rừng gỗ lớn, có lẽ ta nên xem xét thêm các đối tượng cây trồng khác nữa.
GS.TS Võ Đại Hải – Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cũng đã nêu ra một loạt các đối tượng cần quan tâm khi trồng rừng gỗ lớn như: Cây huỷnh, cây sến trung, cây bời lời đỏ, cây dổi, cây sao đen, cây dầu rái và các loại thông. Tùy từng địa phương, từng vùng khí hậu mà chúng ta nên lựa chọn những loài cây phù hợp.
Có một loại cây mà chúng tôi rất mong sẽ được trồng bạt ngàn ở miền Trung, đó là neem. Neem là cây nhập nội. Nó đã được bác Lâm Công Định đưa về Việt Nam từ những năm 80 của thế kỷ trước. Bà con ta gọi nó là cây xoan chịu hạn. Ai đi qua Ninh Thuận cũng rất ấn tượng với những loại cây này. Neem chịu hạn rất tốt. Ở những nơi nóng nhất, loài cây gỗ duy nhất còn tồn tại được chính là cây neem.
Neem mọc rất khỏe. Tán lá của nó rất dày và xanh đậm. Bà con thường trồng neem quanh nhà để tạo bóng mát và chắn gió cát. Ngay tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, neem được trồng rất nhiều dọc các tuyến phố. Nó tạo bóng mát tuyệt vời cho thành phố nằm giữa vùng chảo lửa nóng bỏng này. Dọc các tuyến liên xã, liên huyện, bà con ở đây cũng trồng nhiều neem.
Tuy cùng họ và giống với cây xoan nhưng neem có thân lớn hơn nhiều. Có những cây, đường kính thân lên tới 50 - 60cm. Nghe nói, ở bên Senegal, thân cây neem có thể rộng tới hơn 1m. Mặt khác, gỗ neem giống như gỗ xoan, nó có vân rất đẹp. Vì vậy, neem sẽ là nguồn cung cấp gỗ rất tốt cho ngành công nghệ chế biến. Do đó, xin xếp neem vào danh sách những loại cây lâm nghiệp tạo rừng gỗ lớn.
Chúng tôi còn có mơ ước, sẽ phủ xanh toàn bộ những vùng đang bị sa mạc hóa ở miền Trung bằng chính cây neem. Lúc đó, ta sẽ có một nguồn gỗ dồi dào để chế biến… Mặt khác, lá và hạt neem còn được dùng để làm thuốc trừ sâu thảo mộc. Ở Ấn Độ, người ta có nhiều nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu từ cây neem.
Khi sang thăm Thái Lan, chúng tôi thấy bạn trồng bạt ngàn cây tếch ở các tỉnh phía bắc. Họ cho biết, đó là chủ trương của chính nhà vua. Tếch được trồng kín các dãy núi, trồng dọc theo các tuyến giao thông, trồng dày đặc trong thành phố, trồng quanh nhà dân, trường học, bệnh viện… đi đâu cũng thấy tếch! Gỗ tếch tốt và giá cao. Nhà vua muốn người dân giàu lên bằng cây tếch nên Người khuyến khích trồng tếch. Ở Việt Nam, tếch cũng trồng được rải rác ở Tây Bắc và một số vùng ở Tây Nguyên. Vậy ta có thể đẩy mạnh việc trồng tếch để cung cấp cho công nghiệp chế biến hay không? Xin các chuyên gia cho ý kiến.
Chúng tôi còn có tham vọng phát triển mạnh những loại cây lâm nghiệp đa tác dụng. Nó vừa cung cấp gỗ nhưng lại cho ta thu hoạch từ hoa, lá, quả, nhựa của chúng. Qua thực tiễn chúng tôi thấy, nếu mỗi gia đình ở miền núi có được vài chục cây trám ghép hoặc cây dổi ăn hạt ghép thì họ mau chóng trở nên giàu có. Các cây ghép này chỉ 3 năm là cho thu hoạch quả. Càng về sau, cây càng cho nhiều quả. Ở Lạng Sơn, có gia đình có tới cả nghìn cây dẻ hạt lớn. Đó là nguồn thu tuyệt vời… Hiện nay ở Tây Nguyên và Tây Bắc đã có rất nhiều gia đình giàu lên trông thấy nhờ cây mắc ca. Có nhà thành tỷ phú…
Vì vậy, rất mong các chuyên gia trong ngành lâm nghiệp sẽ mở ra cho bà con nhiều đối tượng hơn nữa để trồng rừng. Rừng của chúng ta sẽ quay lại với đúng nghĩa của nó là: Rừng vàng!
nguồn: https://nongnghiep.vn/rung-go-lon-khong-chi-co-keo-post240573.html