Xuất siêu tới 2,3 tỷ USD
Theo Tổng cục Thống kê, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 5/2019 ước đạt 895 triệu USD, lũy kế xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2019 ước đạt 4,01 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Tính đến hết 4 tháng đầu năm 2019, ngành gỗ là ngành đạt thặng dư thương mại lớn nhất trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam với giá trị thặng dư 2,3 tỷ USD, tăng tới 19,4% so với cùng kỳ 2018. Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục là 4 thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2019, với tỷ trọng xuất khẩu chiếm 79% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ và Nhật Bản là hai thị trường có mức tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2018 với mức tăng lần lượt là 34,7% và 18,7%.
|
Ngành chế biến gỗ cần đảm bảo xuất xứ hàng hóa để phát triển bền vững. (ảnh tư liệu) |
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) đánh giá, việc tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện về tăng cường thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) đã mang lại nhiều cơ hội cho xuất khẩu gỗ của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn, với việc thực thi Hiệp định VPA/FLEGT, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có quyền tiếp cận trực tiếp vào thị trường EU mà không phải trải qua một quá trình kiểm tra tính hợp pháp rườm rà. Đây được xem là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước không có hiệp định VPA đầy đủ.
Lo ngại từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ có những tác động cả tích cực và tiêu cực đến ngành chế biến và xuất khẩu gỗ.
Trong một động thái trả đũa trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang, Trung Quốc nâng gói thuế xuất nhập khẩu một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Mỹ. Trong đó, các sản phẩm gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ Mỹ sẽ bị áp mức thuế từ 20 - 25%.
Ở chiều ngược lại, Hải quan và Biên phòng Mỹ thông báo, họ sẽ bắt đầu điều tra chính thức đối với hoạt động giao dịch nhập khẩu của một số nhà nhập khẩu gỗ dán Trung Quốc. Cụ thể, Hải quan và Biên phòng Mỹ đang điều tra xem các công ty nhập khẩu Mỹ có vi phạm lệnh áp thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng của Mỹ đối với sản phẩm gỗ dán từ gỗ cứng Trung Quốc.
Thực tế, ngay từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra từ cuối năm 2018, đã có nhiều ý kiến cho rằng, ngành xuất khẩu gỗ sẽ nhận được cả những tác động tích cực và tiêu cực từ cuộc chiến này.
Trong đó, tác động tích cực là ngành chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam có thể đón nhận sự hợp tác của các doanh nghiệp Mỹ.
Ông Nguyễn Vinh Quang - chuyên gia của Forest Trends cho biết, việc các mặt hàng đồ gỗ nằm trong số hàng hóa của Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ. Nhưng, đây lại là cơ hội cho các doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam, khi mức thuế mới sẽ khiến các nhà nhập khẩu của Mỹ hạn chế nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ Trung Quốc. Để tránh rủi ro, các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ phải tìm đến nguồn hàng từ các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Theo đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, kể từ cuối năm 2018, ngành chế biến gỗ đón nhận một làn sóng khách hàng Mỹ tìm đến doanh nghiệp Việt ngày càng tăng. Tuy nhiên, cuộc chiến này có thể dẫn tới sự dịch chuyển trong đầu tư vào ngành chế biến gỗ của Việt Nam từ các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc và có thể dẫn đến những tác động tiêu cực đối với ngành gỗ của Việt Nam (đã xảy ra với ngành thép).
Cụ thể, theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), đã có dấu hiệu cho thấy tình trạng gian lận thương mại, lẩn tránh thuế của các công ty Trung Quốc. Họ dùng Việt Nam làm nơi trung chuyển để né thuế xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ.
Cơ quan Thương mại Mỹ ra thông báo điều tra 5 công ty của Mỹ nhập khẩu ván ép từ Việt Nam. Đây là động thái của Mỹ khi họ nghi ngờ các công ty này nhập khẩu ván được sản xuất từ Trung Quốc, dán mác Việt Nam để xuất đi Mỹ.
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương và Viforest khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ.
Việc các mặt hàng đồ gỗ nằm trong số hàng hóa của Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ. Nhưng, đây lại là cơ hội cho các doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam có thể thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường khó tính này.
Ông Nguyễn Vinh Quang - chuyên gia của Forest Trends
|