VietTimes lược ghi phân tích của Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh tại Hội thảo trực tuyến “Chính sách ứng phó với Covid-19 của Chính phủ” do Đại học Fulbright tổ chức chiều 03/04.
Cú sốc bất ngờ, thần tốc và hủy diệt
Có thể nói rằng Covid-19 là cú sốc bất ngờ, thần tốc và hủy diệt nhất trong lịch sử thế giới 100 năm qua. Nếu chúng ta nhớ lại rằng mới chỉ cách đây hai tháng, dự báo của các tổ chức kinh tế quốc tế về triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn còn hết sức lạc quan.
Chẳng hạn, trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đưa ra hồi tháng 1, chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc ra lệnh phong tỏa Vũ Hán, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 đạt 0.4% và tăng nhẹ vào năm 2021 đối với tất cả các khu vực.
Hai tháng sau, bức tranh đã đảo chiều hoàn toàn. Trong dự báo mới đây nhất, ngày 1 tháng 4, IMF đã xác định Covid-19 là một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ và các chính sách chống Covid là các chính sách thời chiến.
Đến thời điểm này, có lẽ không một ai còn đặt câu hỏi liệu kinh tế có rơi vào suy thoái hay không. Câu hỏi còn lại chỉ là mức độ và thời gian của cuộc suy thoái lần này sẽ như thế nào (?).
Không giống như các cuộc khủng hoảng y tế trước đây, hay đại suy thoái những năm 30 của thế kỷ trước, cuộc khủng hoảng lần này xảy ra khi thế giới đã bước vào giai đoạn toàn cầu hóa cao độ.
Sự kết nối toàn cầu này khiến cho tác động của đại dịch Covid-19 đối với từng quốc gia bị phóng đại lên nhiều lần, tạo ra một cuộc khủng hoảng rộng hơn và mạnh hơn bất kỳ cuộc khủng hoảng nào mà chúng ta từng biết trong lịch sử, ví dụ như khủng hoảng kinh tế - tài chính gần đây nhất năm 2008 - 2009.
Cho đến nay, 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Ấn Độ, Ý, Brazil, Canada (chiếm 66% GDP, 69% sản lượng công nghiệp chế biến – chế tạo toàn cầu) đồng thời cũng là những nước đang chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 với số ca ghi nhận nhiễm Covid-19 và số ca tử vong lần lượt chiếm 62% và 61% của cả thế giới (số liệu cập nhật đến ngày 2/4/2020).
Sự trùng khớp này dẫn đến thực tế là sức tàn phá và hệ lụy của Covid-19 ở các quốc gia chịu tác động cũng như đối với nền kinh tế thế giới là đặc biệt nghiêm trọng, đến mức không một đại dịch cận đại nào có thể so sánh được.
|
10 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19.
|
Các số liệu thống kê trong quý 1 vừa qua đã minh chứng rõ nét cho xu hướng này. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, chỉ số PMI công nghiệp và dịch vụ của thế giới sụt giảm mạnh hơn thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Riêng Trung Quốc chứng kiến tỷ lệ tăng trưởng thương mại thấp hơn hẳn giai đoạn 2008-2009.
Đối với Mỹ, chỉ trong vòng 2 tuần qua, số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp là 10 triệu người, gấp 30 lần so với hồi đầu tháng 3. Đây là mức thất nghiệp tăng cao nhất trong vòng hơn 50 năm trở lại đây, vượt xa tất cả các cuộc khủng hoảng trước đó (thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008-2009, số người xin trợ cấp thất nghiệp trong 1 tuần ở Mỹ chỉ là 665 ngàn người).
Chỉ dấu này cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đã rơi vào tình trạng bất ổn và sự bất an này đang lan tràn ra ngoài xã hội.
Covid-19 "oanh tạc" kinh tế Việt Nam
Mặc dù Covid-19 là khủng hoảng toàn cầu nhưng tác động của nó lớn đến đâu sẽ phụ thuộc vào tình hình của mỗi quốc gia. Trong từng quốc gia, mức độ tác động của đại dịch và khả năng điều chỉnh, thích nghi của mỗi ngành cũng khác nhau.
Với quy mô kinh tế nhỏ và có độ mở thuộc hàng cao nhất thế giới hiện nay, không có gì ngạc nhiên khi bất kỳ một biến động nào bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng ngay lập tức và nghiêm trọng đến Việt Nam.
Sự phụ thuộc ngày càng lớn của Việt Nam vào đầu tư nước ngoài (khu vực FDI chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, gần 50% tổng sản lượng công nghiệp) khiến nền kinh tế càng dễ tổn thương trước các cú sốc bên ngoài.
Không những vậy, các ngành công nghiệp chế biến – chế tạo còn lệ thuộc nặng nề vào nguồn cung nguyên vật liệu bên ngoài do công nghiệp phụ trợ của Việt Nam gần như không có gì. Đặc thù của các doanh nghiệp ở Việt Nam là muốn xuất khẩu thì phải nhập khẩu rất nhiều.
Bởi vậy, khi các chuỗi cung ứng toàn cầu bị ngưng trệ vì dịch bệnh, các doanh nghiệp chật vật sản xuất cầm chừng khi nguồn nguyên liệu đầu vào dần cạn kiệt.
Mặt khác, cơ cấu kinh tế hiện tại của Việt Nam cũng khiến cho tác động của Covid-19 trở nên nghiêm trọng hơn. Tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế tương đối cao, trong khi đây lại là ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất của dịch bệnh và suy thoái kinh tế.
Ngay cả lĩnh vực nông nghiệp lâu nay được coi là điểm mạnh, thậm chí đóng vai trò giảm sốc cho nền kinh tế mỗi khi có khủng hoảng cũng đang phải chống chịu với hạn mặn và thời tiết cực đoan.
Tác động nghiêm trọng của Covid-19 được phản ánh rõ nét trong số liệu thống kê quý 1. Theo đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 3,8%, sụt giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Cả sản xuất công nghiệp và bán lẻ tiêu dùng đều giảm mạnh với chỉ số sản xuất công nghiệp bằng 50% so với năm 2018.
|
Tác động của Covid-19 với nền kinh tế Việt Nam trong Quý 1/2019
|
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chỉ còn 0.5%, mức tăng thấp kỷ lục, trong khi nhập khẩu âm gần 2%, cho thấy các doanh nghiệp đang cạn kiệt nguyên liệu đầu vào để sản xuất.
Dự báo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu quý 2 còn thấp hơn nữa khi các nền kinh tế lớn – thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam mới thực sự "ngấm đòn" Covid-19
Về vốn đầu tư nước ngoài, đây cũng là năm duy nhất mà cả tốc độ vốn đăng ký và tốc độ vốn thực hiện đều giảm mạnh (tương ứng âm 20.9% và âm 6.6%).
Đặc biệt, các doanh nghiệp – trụ cột của nền kinh tế chịu cú sốc mạnh. Số doanh nghiệp mới thành lập tăng 4.4% nhưng quy mô về vốn và lao động giảm từ một phần tư cho đến một nửa so với năm 2019. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động để nghe ngóng tình hình, hoặc chờ giải thể tăng vọt đến 26%.
Khảo sát nhanh của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đầu tháng 3 vừa qua đối với 1.200 doanh nghiệp cho biết nếu như dịch kéo dài 6 tháng trở lên thì 60% doanh nghiệp sẽ bị giảm trên 50% doanh thu, gần 30% doanh nghiệp giảm từ 20% đến 50%.
Nói cách khác, khoảng 90% doanh nghiệp được khảo sát có mức giảm doanh thu nghiêm trọng và đến 60% doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, giải thể.
|
Khoảng 90% doanh nghiệp được khảo sát có mức giảm doanh thu nghiêm trọng.
|
Như vậy, nếu không có sự can thiệp hiệu quả, hiệu lực và kịp thời của Chính phủ, một số ngành kinh tế và nhiều doanh nghiệp có thể đổ vỡ, kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng về tăng trưởng và việc làm.
"Sức đề kháng" của kinh tế Việt Nam
Mặc dù bức tranh chung tương đối ảm đạm, Việt Nam có những lợi thế khi đương đầu với cuộc khủng hoảng lần này so với thời kỳ 2008-2009.
Trước hết là nền kinh tế trong 3 năm vừa qua tương đối ổn định, các cân đối vĩ mô lành mạnh như tỷ lệ lạm phát thấp, tỷ lệ nợ công giảm, thâm hụt ngân sách không quá cao, nợ công giảm. Điều này tạo ra dư địa nhất định cho các chính sách can thiệp bằng tài khóa.
Về tiền tệ, mặt bằng lãi suất tương đối cao nên dư địa để giảm lãi suất khá lớn. Năng lực điều hành của Ngân hàng Nhà nước tốt hơn trước và các ngân hàng đã cải thiện đáng kể sau quá trình cải cách, với một loạt ngân hàng đáp ứng được trụ cột 1 của tiêu chuẩn Basel.
Hơn nữa, Việt Nam có tỷ lệ tiết kiệm tương đối cao so với các nước có thu nhập tương đương, giúp chúng ta trụ được một thời gian trong khủng hoảng. Tuy nhiên, năng lực chống đỡ của từng nhóm thu nhập khác nhau.
Theo tính toán, với nhóm thu nhập ở khoảng 20-40% mặt bằng chung của xã hội có thể trụ được ba tháng nhưng với những người nằm ở khoảng 20% thu nhập thấp nhất thì cuộc sống vô cùng khó khăn.
Với những nhóm sống nhờ vào các “rơi vãi” của nền kinh tế như các em bé đánh giày, người bán vé số, chạy xe ôm thì một ngày nghỉ làm là một ngày nhịn đói. Do đó, các chính sách về an sinh xã hội, trợ giúp cho các nhóm yếu thế có ý nghĩa vô cùng quan trọng để tránh tạo ra bất ổn xã hội.
Hy sinh kinh tế đến đâu để chống dịch?
Đây là câu hỏi khiến các nhà lãnh đạo mọi quốc gia đau đầu nhất trong thời gian qua. Không cần phải có kiến thức kinh tế học, bất kỳ người bình thường nào cũng hiểu đây là một bài toán đánh đổi.
Khi các quốc gia thực hiện chiến lược ngăn chặn dịch bệnh, một mặt giúp giảm tình trạng lây nhiễm, nhưng đồng thời khiến kinh tế suy giảm trầm trọng hơn khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh và chuỗi cung ứng, phân phối bị ngừng trệ do các biện pháp ngăn chặn, phong tỏa. Suy thoái kinh tế là cái giá không thể tránh khỏi khi chống dịch.
Chính sự chần chừ trong việc đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và ngăn chặn dịch bệnh đã khiến một số quốc gia ở châu Âu và Mỹ chần chừ trong giai đoạn đầu của đại dịch. Nhưng khi dịch bùng phát trên diện rộng, vượt quá sức chịu đựng của hệ thống y tế, con số lây nhiễm và tử vong tăng cao thì hậu quả cũng vô cùng thảm khốc đối với cả nền kinh tế và xã hội.
Bởi vậy, giờ đây ngay cả những nước từng chủ trương theo đuổi chiến lược “lây nhiễm cộng đồng” như Anh đã phải hoàn toàn từ bỏ cách tiếp cận này và quay lại chiến lược phổ biến là bằng mọi giá hạ thấp “đường cong nhiễm dịch” thông qua các biện pháp xét nghiệm, cách ly và phong tỏa, giảm tải sức ép lên hệ thống y tế.
Ngay từ đầu, Việt Nam đã lựa chọn chấp nhận hy sinh kinh tế để bảo toàn sức khỏe cộng đồng, nhờ vậy Việt Nam đã làm tốt trong giai đoạn đầu của dịch bệnh.
Vấn đề đặt ra hiện nay là: Chúng ta có thể chống chịu đến mức nào nếu dịch kéo dài? Đây là câu hỏi đặc biệt quan trọng.
Chúng ta có thể tạm dừng các hoạt động kinh doanh trong vòng một tháng hoặc cùng lắm là ba tháng. Như trong khảo sát doanh nghiệp tôi đã đề cập, nếu kéo dài đến sáu tháng, rất nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản, kéo theo hàng triệu lao động bị mất việc làm.
Chỉ riêng tháng 3 vừa rồi có khoảng 10% lao động ở TP.HCM, thành phố lớn nhất cả nước hoặc là mất việc hoặc phải nghỉ không lương hoặc giảm lương.
Ở đây không còn là câu chuyện duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn là để đảm bảo đời sống người dân.
Tuy nhiên, nền kinh tế muốn vận hành bình thường trở lại thì người dân ra đường phải an toàn. Bởi nếu để dịch lan tràn trong cộng đồng thì hậu quả thảm khốc nhãn tiền như ở các nước Âu Mỹ.
Người dân ra đường chỉ an toàn khi mà tất cả, hoặc ít nhất là đa số các ca nghi nhiễm đều đã được xét nghiệm và cách ly.
Điều này phụ thuộc rất lớn vào chiến lược chống dịch của mỗi quốc gia. Ví dụ như Hàn Quốc tương đối thành công khi theo đuổi chiến lược test nhanh trên diện rộng và sau đó khu trú những người bị nhiễm. Còn nếu không triển khai xét nghiệm đại trà được để khu trú người nhiễm bệnh thì chỉ còn cách buộc mọi người ở yên trong nhà.
Chiến lược của Việt Nam tại thời điểm này là tìm, khu trú và diệt covid-19 chứ chúng ta chưa thực hiện xét nghiệm trên diện rộng hay xét nghiệm ngẫu nhiên để xem tỷ lệ nhiễm bệnh là bao nhiêu.
Theo tôi, trong bối cảnh Việt Nam chưa thể thực hiện xét nghiệm đại trà thì nên thực hiện xét nghiệm chọn mẫu để chúng ta có thể xác định được xác suất của một người nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng nhưng chưa được ghi nhận.
Nếu xác suất này là đáng kể thì có nghĩa rằng chiến lược hiện nay của Việt Nam chưa thực sự phù hợp.
Nếu ngược lại, xác suất này không cao thì chúng ta tự tin với chiến lược hiện tại, đồng thời có thể nối lại các hoạt động kinh tế và giáo dục một cách bình thường mà vẫn giữ an toàn.
Với những diễn tiến hiện nay của dịch bệnh, không ai dám khẳng định dịch sẽ kết thúc sớm trong tháng 6, hay dịch không quay lại khi các nước Âu Mỹ bước vào mùa đông, giống như những gì đã xảy ra trong dịch cúm Tây Ban Nha 1918 – 1919.
Cho đến khi tìm ra được vắc xin, cuộc chiến chống Covid-19 đòi hỏi tất cả chúng ta luôn ở trong trạng thái căng mình chống dịch và chuẩn bị cho những kịch bản xấu hơn trong tương lai. Điều quan trọng hơn cả trong cuộc chiến trường kỳ này là quyết tâm của Chính phủ và sự đồng lòng của toàn xã hội.
Tiếc vài điểm phần trăm GDP có thể khiến chúng ta trả giá đắt!
Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo GDP của Việt Nam có thể đạt 4,8% năm 2020. Cá nhân tôi không tin Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng này.
Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là: Giữ tốc độ tăng trưởng không phải là mục tiêu chính yếu lúc này. Mục tiêu tối thượng là làm thế nào bảo toàn lực lượng để có thể chuẩn bị nền tảng hồi phục khi bước ra khỏi khủng hoảng.
Lực lượng ở đây là sự sống của người dân, sức khỏe của doanh nghiệp, của hệ thống ngân hàng – tài chính và niềm tin của người dân đối với Nhà nước.
|
Còn nếu chạy theo GDP, chúng ta sẽ phải chấp nhận đánh đổi.
|
Còn nếu chạy theo GDP, chúng ta sẽ phải chấp nhận đánh đổi. Bởi vì như tôi vừa phân tích, nếu chống dịch càng tốt thì GDP càng giảm và ngược lại. Không thể nào có được cả hai thứ cùng một lúc.
Nếu vì tiếc một vài điểm % tăng trưởng GDP mà xem nhẹ hơn, thậm chí có thể chấm dứt các biện pháp chống dịch quá sớm thì chúng ta có thể phải trả giá.
Dịch bệnh có thể trở lại bất cứ lúc nào theo nhiều làn sóng và những làn sóng sau có thể nghiêm trọng hơn làn sóng trước.
Nguồn: https://viettimes.vn/hy-sinh-kinh-te-de-chong-covid19-chung-ta-co-the-chong-chiu-den-muc-nao-386046.html