Đầu xuân 2019, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát động hưởng ứng "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” tại tỉnh ta. Chủ tịch Quốc hội biểu dương các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã đẩy mạnh phong trào trồng cây, trồng rừng, liên tục phát triển và lan toả sâu rộng, hiệu quả, góp phần xoá đói, giảm nghèo và bảo vệ môi trường.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Quang và các đại biểu tham gia "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" xuân Kỷ Hợi tại huyện Lương Sơn.
Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2019. Các địa phương đều xây dựng và triển khai kế hoạch trồng rừng. Cây xanh phủ kín đất trống, đồi trọc, mở ra hướng phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, cải thiện dân sinh. Cây xanh được trồng ở đô thị, trường học, công sở đem lại không gian xanh, môi trường trong lành.
Tỉnh ta có tổng diện tích tự nhiên 460.869,09 ha, trong đó đất lâm nghiệp 332.813,1 ha, chiếm 72,21%, là tiềm năng lớn để phát triển kinh tế lâm nghiệp, trồng rừng xóa đói, giảm nghèo, cải thiện cuộc sống người dân. Xác định trồng cây xanh là việc làm quan trọng trong quá trình phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhiều năm nay, tỉnh tập trung chỉ đạo, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng. Thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng sản xuất. Nâng cao giá trị gia tăng chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ đang được xác định là hướng đi chủ đạo khai thác tiềm năng, lợi thế của rừng, mang lại cơ hội xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống và làm giàu ở nhiều địa phương.
Tỉnh luôn hoàn thành các chỉ tiêu trồng rừng hàng năm, trung bình đạt từ 6.000 - 8.000 ha rừng/năm. 5 năm gần đây, tỉnh trồng được trên 41.000 ha rừng, chủ yếu là rừng sản xuất với loài keo tai tượng thực sinh chiếm trên 90%. Bên cạnh trồng rừng, tỉnh chỉ đạo chăm sóc rừng trồng gần 13.000 ha, bảo vệ 75.000 ha rừng tự nhiên và rừng trồng, khoanh nuôi tái sinh khoảng 2.500 ha, góp phần duy trì độ che phủ rừng đạt 51,2%. Chất lượng rừng ngày một tăng lên do chất lượng giống đã được kiểm soát. 100% cây giống đưa vào trồng rừng được kiểm soát theo phân cấp quản lý. Hệ thống rừng giống, vườn ươm giống cây lâm nghiệp được xây dựng, cải tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị. Tỉnh thường xuyên tổ chức hướng dẫn các quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng cho các đối tượng chủ rừng áp dụng rộng rãi sử dụng giống keo tai tượng nhập khẩu từ Úc để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng.
Hiện tượng khai thác rừng non giảm dần. Công tác nâng cao giá trị sản phẩm của rừng được các doanh nghiệp quan tâm, đã cấp chứng chỉ rừng của doanh nghiệp và liên kết với người dân thực hiện cấp chứng chỉ rừng được 12.000 ha/năm, bước đầu chuyển hóa rừng trồng sang kinh doanh gỗ lớn, đến nay đạt khoảng 2.800 ha. Toàn tỉnh đã có hàng chục cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm từ gỗ rừng. Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đạt 4,86%/năm.
Đồng chí Nguyễn Xuân Trường, Chi Cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Trong định hướng tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, tỉnh đang tập trung phát triển và tăng tỷ lệ rừng kinh tế trong tổng diện tích rừng, phát triển trồng rừng sản xuất thành hướng đi quan trọng đem lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân làm nghề rừng; cải thiện sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số và những đối tượng khác được hưởng lợi thông qua phí dịch vụ môi trường rừng. Nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng theo hướng phát triển lâm nghiệp đa chức năng, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ khai thác gỗ non sản xuất dăm gỗ sang khai thác gỗ lớn nhằm tạo vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp gỗ cho công nghiệp chế biến đồ gỗ, góp phần vào tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và bảo vệ môi trường.
Quản lý, sử dụng bền vững diện tích rừng tự nhiên, thay thế các diện tích kém hiệu quả bằng rừng trồng có năng suất cao, đáp ứng tiêu chí bền vững; điều chỉnh cơ cấu giống cây lâm nghiệp trồng trong rừng phòng hộ theo hướng tăng cây đa tác dụng, đa mục tiêu, tạo điều kiện tăng thu nhập cho người làm nghề rừng. Bảo vệ diện tích rừng phòng hộ hiện có, tỉa thưa, trồng bổ sung hoặc làm giàu diện tích rừng trồng bằng cây bản địa tán rộng, ưu tiên đầu tư trồng mới rừng phòng hộ đầu nguồn. Phát triển và tăng cường quản lý rừng đặc dụng, bảo vệ quỹ gen, bảo đảm đa dạng sinh học; khuyến khích phát triển mô hình kết hợp chăn nuôi, trồng cây ăn quả và lâm sản ngoài gỗ với trồng rừng và khai thác rừng bền vững để tăng thu nhập. Nâng cao giá trị kinh tế và tăng năng lực, hiệu lực bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao sinh kế cho người dân miền núi, đặc biệt vùng dân tộc thiểu số là hướng đi bền vững trong thời gian tới.
Nguồn: http://www.baohoabinh.com.vn/28/126757/Lan-toa-ph111ng-trao-trong-cay,-trong-rung.htm