Những chiêu bài gian lận xuất xứ
Theo lãnh đạo Cục Giám sát quản lý về hải quan và Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), trước thông tin kim ngạch nhập khẩu mặt hàng gỗ dán từ Trung Quốc vào Việt Nam có dấu hiệu tăng trưởng đột biến, từ tháng 12/2018, Tổng cục Hải quan đã ban hành văn bản tăng cường công tác kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa đối với mặt hàng gỗ dán có xuất xứ từ Trung Quốc tại Công văn số 498/TCHQ-GSQL. Đồng thời, chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra, xác định xuất xứ, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, ghi nhãn hàng hóa có dấu hiệu giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
|
Hải quan sẽ tăng cường kiểm tra, xác minh C/O đối với mặt hàng gỗ dán xuất khẩu. Ảnh minh hoạ |
Từ tháng 1/2018 đến tháng 3/2019, Cục Điều tra chống buôn lậu đã tiến hành rà soát kim ngạch xuất khẩu gỗ ván ép HS4412 từ Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ.
Qua thống kê cho thấy, có 90 công ty thực hiện xuất khẩu gỗ ván ép HS4412 từ Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu từ tháng 1/2018 đến tháng 3/2019 đạt hơn 200 triệu USD, tập trung chủ yếu với số lượng xuất khẩu lớn từ tháng 8/2018 đến tháng 01/2019. Nổi lên trong đó là một số doanh nghiệp có chủ sở hữu là người Trung Quốc hoặc góp vốn với người Trung Quốc và một số doanh nghiệp khác có dấu hiệu xuất khẩu tăng đột biến.
Trên cơ sở số liệu rà soát và thông tin nắm được về các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp trong việc sản xuất mặt hàng gỗ dán xuất khẩu, Cục Điều tra chống buôn lậu và các đơn vị liên quan lập kế hoạch, xác minh thông tin liên quan đến các hoạt động sản xuất, xuất khẩu mặt hàng gỗ dán, tấm gỗ dán veneer và các loại gỗ ghép của 6 công ty có sản lượng gỗ sản xuất, xuất khẩu lớn, có dấu hiệu tăng đột biến.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của 6 công ty trong giai đoạn xác minh đạt rất cao, như: Công ty TNHH VT...... (TP. Hà Nội) đạt gần 406 tỷ đồng; Công ty TNHH VM....... (tỉnh Hưng Yên) đạt trên 60 tỷ đồng; Công ty Cổ phần AA ....... (tỉnh Nam Định) đạt 60,4 tỷ đồng; Công ty Cổ phần GR......... (tỉnh Lạng Sơn) đạt gần 113 tỷ đồng;… và tương tự, các công ty: TNHH FN…….. ( tỉnh Phú Thọ), Công ty TNHH Go ……. (TP. Hà Nội) đều có kim ngạch xuất khẩu gỗ tăng rất cao trong thời gian ngắn.
Theo đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu, qua xác minh đối với 6 công ty nói trên và kết quả làm việc với các hộ dân, chính quyền một số địa phương cho thấy một số vấn đề nổi lên liên quan đến vi phạm trong việc doanh nghiệp lập hồ sơ xin cấp C/O. Cụ thể hơn, các Công ty TNHH VT, Công ty TNHH VM, Công ty Cổ phần Gr và Công ty Cổ phần AA thừa nhận không mua nguyên liệu gỗ bạch đàn, gỗ keo từ các hộ dân địa phương trong nước ghi trong hợp đồng.
Đặc biệt, các công ty này đã sử dụng hợp đồng mua bán nguyên liệu ký khống, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong một số bộ hồ sơ xin cấp C/O là giả, mục đích hợp thức hồ sơ đầu vào để làm thủ tục xin Giấy chứng nhận xuất xứ tại Việt Nam cho các lô hàng mà các công ty sản xuất để bán cho công ty khác xuất khẩu hoặc trực tiếp xuất khẩu.
Cũng có một số doanh nghiệp nhập khẩu ván bóc, bán thành phẩm từ Trung Quốc về để sản xuất gỗ ván bóc xuất khẩu nhưng không khai báo trong hồ sơ xin cấp C/O.
Cá biệt với Công ty TNHH VT, một số hồ sơ xin cấp C/O cho các lô hàng xuất khẩu (do các công ty sản xuất khác cung cấp) có sử dụng các giấy tờ không hợp pháp, một số giấy tờ có dấu hiệu làm giả.
Có dấu hiệu buông lỏng quản lý hồ sơ lâm sản và hồ sơ cấp C/O
Từ những kết quả này, Cục Điều tra chống buôn lậu cho rằng có dấu hiệu buông lỏng quản lý trong xác nhận hồ sơ lâm sản. Trong đó, UBND một số xã không mở hồ sơ theo dõi khai thác lâm sản, không kiểm tra thực tế trước khi xác nhận hồ sơ lâm sản. Có nhiều hồ sơ lâm sản, số lô, số thửa trên bảng kê lâm sản không có trên thực tế hoặc không đúng với số lô, số thửa mà hộ dân đang trồng và khai thác rừng, cá biệt còn có trường hợp lãnh đạo UBND xã ký, đóng dấu sẵn vào một số đơn đề nghị cấp phép khai thác, Bảng kê lâm sản khai thác, Bảng kê lâm sản rồi đưa cho hộ dân về tự điền thông tin vào các giấy tờ trên.
Trong khi đó, về việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ C/O của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), đại diện cơ quan hải quan cho biết, một số bảng kê lâm sản, bảng kê lâm sản khai thác không ghi ngày tháng, không có chữ ký của chủ rừng, chữ ký của chính quyền xã, không có chữ ký của người dân trong hợp đồng mua nguyên liệu nhưng vẫn được cấp chứng nhận C/O.
Bên cạnh đó, trong nhiều Bảng kê khai hàng hóa xuất khẩu đạt tiêu chí Chuyển đổi mã số HS của hàng hóa “Tiêu chí CTC” có mâu thuẫn, trùng lắp về hóa đơn, số liệu nhưng vẫn được cấp C/O...
Hiện nay, Cục Điều tra chống buôn lậu vẫn đang tiếp tục xác minh làm rõ thêm tính chất, mức độ của các hành vi vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật về C/O không trung thực, về dấu hiệu làm giả hồ sơ, giấy tờ, về dấu hiệu chiếm đoạt thuế VAT (nếu có). Tuy nhiên, do cơ quan hải quan không phải là cơ quan phát hành C/O chứng nhận cho các lô hàng xuất khẩu nên trong quá trình xác minh phải phối hợp với các cơ quan chức năng khác của Việt Nam để làm rõ, cụ thể phối hợp với Bộ Công Thương (với các C/O ưu đãi) và VCCI (đối với C/O thông thường).
Hơn nữa, việc xác minh và xác định tỷ trọng và tỷ lệ hàng hóa để đạt xuất xứ Việt Nam là một vấn đề khó đối với cơ quan hải quan nếu như không có chỉ dẫn rõ ràng từ các cơ quan chức năng. Do đó, trong thời gian tới, Hải quan sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thành lập các đoàn kiểm tra trực tiếp tại các cơ sở sản xuất để đảm bảo doanh nghiệp thực hiện chế biến sâu, đáp ứng các chuyển đổi hàng hoá cơ bản hay không để xác định rõ nguồn gốc nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra cụ thể.