Xuất khẩu gỗ của Việt Nam năm 2019: Cơ hội và thách thức

Mở ra nhiều cơ hội…

Phát biểu tại Diễn đàn Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong năm 2019, còn nhiều dư địa cho ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam tăng trưởng. Cụ thể, ngành phấn đấu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản lên khoảng 11 tỉ USD, tăng thêm từ 1,5 - 1,7 tỉ USD (tương ứng 16 - 18 %) so với năm 2018. Trong đó, chú trọng duy trì và tăng trưởng tại 5 thị trường có giá trị xuất khẩu cao trong những năm qua, gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc đồng thời cũng mở rộng thị phần tại số thị trường tiềm năng khu vực Nam Mỹ, Nga, Australia, Canada, Ấn Độ...

Các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam cần tiếp tục được duy trì và phát triển như: viên nén, dăm gỗ, gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ dán, gỗ ghép, đồ mộc xây dựng, ghế ngồi, các đồ nội thất và bộ phận đồ nội thất… Đặc biệt, với nhóm đồ nội thất và các bộ phận liên quan có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong các nhóm hàng xuất khẩu gỗ và lâm sản với 4 tỉ USD năm 2018, tăng 6% so với năm 2017. Vì thế, các chuyên gia nhận định đây tiếp tục sẽ là nhóm hàng mang đến sự tăng trưởng khả quan cho ngành chế biến và xuất khẩu gỗ trong năm nay.

Xuất khẩu gỗ của Việt Nam năm 2019: Cơ hội và thách thức
Xuất khẩu gỗ của Việt Nam năm 2019: Cơ hội và thách thức

 

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2019, tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục được duy trì, là tiền đề cho sự phát triển của các ngành công nghiệp, trong đó có chế biến và xuất khẩu gỗ. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu nên các doanh nghiệp ngành gỗ trong nước hoàn toàn có cơ hội mở rộng, phát triển thị phần kinh doanh. Bên cạnh các thị trường truyền thống, sự gia tăng tiêu thụ tại các thị trường mới, tiềm năng như Canada, Liên minh Kinh tế Á - Âu, Trung Nam Á… mở ra cơ hội cho xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam thời gian tới, đặc biệt là đồ gỗ nội thất trang trí theo phong cách cổ điển.

Năm 2018 cũng đánh dấu một năm với nhiều cơ chế, chính sách mới nhằm nâng cao giá trị và hình ảnh của ngành, định hướng ngành phát triển theo hướng ổn định, bền vững. Cụ thể, Chính phủ Việt Nam đã ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện với EU (VPA) tạo ra cơ hội hợp tác lớn cho các doanh nghiệp trong nước với các bạn hàng châu Âu. Thực hiện thành công VPA trong tương lai cũng giúp Việt Nam tăng cường quản trị rừng, tăng cường quản lý chuỗi cung nhằm tạo ra các sản phẩm gỗ hợp pháp phục vụ xuất khẩu. Từ đó, giúp mở ra cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho đồ gỗ Việt Nam khi xuất khẩu sang EU, qua đó tạo uy tín quốc tế cho sản phẩm gỗ Việt Nam trên trường quốc tế.

Ngoài VPA, Việt Nam cũng đã phê chuẩn và đang triển khai lộ trình của các hiệp định thương mại tự do (FTA) như: Hiệp định Đối tác Toàn diện xuyên Thái Bình Dương CPTPP và Việt Nam - EU (EVFTA) giúp thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng của các nước tham gia hiệp định sẽ tiếp tục được cắt giảm hoặc xóa bỏ, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Thêm vào đó, Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) đã được ký kết với các quốc gia tạo thuận lợi cho Việt Nam do lợi thế cắt giảm thuế quan, cam kết giảm thiểu các hàng rào phi thuế quan. Đây đều là những cơ hội rất tốt để các doanh  nghiệp gỗ Việt “nối dài cánh tay”, vươn ra thị trường thế giới.

Xuất khẩu gỗ của Việt Nam năm 2019: Cơ hội và thách thức
Xuất khẩu gỗ của Việt Nam năm 2019: Cơ hội và thách thức

 

… và còn đó những thách thức

Mặc dù có thể tận dụng nhiều cơ hội để duy trì đà tăng trưởng nhưng ngành gỗ nói chung và xuất khẩu gỗ của Việt Nam nói riêng vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức làm ngăn trở sự phát triển bền vững của ngành.

Thứ nhất, sự phát triển của ngành gỗ hiện nay ở nước ta vẫn mang đậm nét truyền thống, tập trung vào xuất khẩu và mở rộng xuất khẩu ở các nhóm sản phẩm thô, giá trị gia tăng thấp. Kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2018 cao nhưng chủ yếu nằm ở nhóm hàng gỗ nguyên liệu, đặc biệt là viên nén, dăm gỗ và các loại ván. Nói cách khác, mô hình tăng trưởng hiện nay chưa tạo được sự phát triển về chiều sâu, với giá trị tạo ra ở các khâu như kỹ năng, thiết kế, thương mại, điều này hạn chế sự phát triển lâu dài của ngành.

Thứ hai, về chất lượng gỗ rừng trồng – tức nguồn cung của chế biến chưa thực sự được bảo đảm. Việc hợp tác giữa các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu với người trồng rừng để nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng vẫn còn hạn chế. Gỗ rừng trồng chủ yếu nhỏ, khai thác sớm, chất lượng thấp, cùng với sự phát triển nhanh của các cơ sở chế biến gỗ, nên áp lực về thiếu chủ động được nguồn nguyên liệu chất lượng gay gắt hơn, trong khi nguyên liệu nhập khẩu ngày càng khan hiếm và đắt đỏ hơn.

Thứ ba, giá thành vật liệu phụ trợ cao do vẫn chủ yếu phải nhập khẩu từ nước ngoài. Các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực trong chế biến gỗ chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn sản xuất, nên hiệu quả và năng suất lao động còn thấp. Thêm vào đó, chủ nghĩa bảo hộ quốc tế đang có xu hướng gia tăng, nhiều chính sách tạo lập, rào cản kỹ thuật của nhiều quốc gia là thách thức đối với sự phát triển, xuất khẩu của ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản. Thứ tư, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có hồi kết khiến việc xuất khẩu gỗ Việt Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng do những biến động của thị trường. Một số chuỗi cung ứng hiện tại vẫn còn tồn tại một số mặt hàng sử dụng gỗ nguyên liệu có rủi ro cao do có nguồn gốc nhập khẩu. Trung Quốc là thị trường điển hình trong việc tiêu thụ các sản phẩm thuộc nhóm này của Việt Nam. Việc tồn tại các chuỗi cung ứng xuất khẩu với những sản phẩm gỗ có độ rủi ro cao là rào cản cho Chính phủ trong việc thực hiện hiệu quả các cam kết đã đề ra trong VPA.

Đứng trước những cơ hội và thách thức nêu trên, đòi hỏi các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam cần có sự nhạy bén trước những biến động của thị trường và hoạch định chiến lược phát triển sao cho phù hợp. Cần có sự thay đổi tư duy từ các nhà quản lý để xuất khẩu gỗ Việt Nam có tiềm lực tăng trưởng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu với nhiều sản phẩm chế biến có chất lượng cao và tính thẩm mỹ phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng cả trong và ngoài nước. Đồng thời, cũng rất cần sự quan tâm của Chính phủ và các ngành chức năng để cơ chế chính sách hỗ trợ ngành được thông thoáng, từ đó tạo tiền đề cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ có cơ hội bứt phá hơn trong năm 2019.

Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/kinh-te/thuong-mai/xuat-khau-go-cua-viet-nam-nam-2019-co-hoi-va-thach-thuc-12738.html